Bản chất gây bệnh nha chu là phản ứng viêm của cơ thể trước vi khuẩn trong mảng bám tích tụ trên răng. Ngoài ra, có một số yếu tố khác được gọi là yếu tố nguy cơ góp phần giúp bệnh dễ xảy ra hơn hoặc tiến triển nhanh hơn. Chi tiết các nguyên nhân ở dưới đây →

Mảng bám vi khuẩn (cặn lắng, bựa bám) tích tụ trên răng

Vi khuẩn trong các loại mảng bám tích tụ trên răng là nguyên nhân gây viêm nướu. Hệ vi khuẩn này gồm nhiều loại, trong đó có một số loại có thể kích ứng gây viêm nha chu.

bacteria
plaque accumulating over teeth
Mảng bám xuất hiện do không vệ sinh răng miệng

Khi mảng bám tích tụ trên răng mà không được loại bỏ (thông qua chải răng, vệ sinh răng miệng), vi khuẩn trong lớp mảng bám này sinh sôi nhanh chóng. Nướu răng sẽ trở nên viêm đỏ chỉ sau một thời gian ngắn và dễ chảy máu, đặc biệt là khi dùng chỉ nha khoa. Tuy vậy, ở giai đoạn mảng bám tích tụ, nếu vệ sinh răng miệng trở lại kịp thời và loại bỏ hết mảng bám, nướu sẽ hết viêm và trở lại như trước.

plaque accumulating over teeth
Mảng bám xuất hiện ở giai đoạn sớm, có thể được loại bỏ bằng cách chải răng đúng cách, sau đó nướu sẽ trở về trạng thái bình thường

Vôi răng (cao răng)

Khi mảng bám tồn tại trong thời gian lâu dài sẽ bị canxi hóa thành vôi răng, thường bắt đầu từ nơi tiếp xúc giữa nướu răng và răng và lắng đọng trên tất cả các bề mặt răng không được vệ sinh chải rửa.

tartar (calculus) accumulating over teeth
Vôi răng là mảng bám lâu ngày bị vôi hóa dính chặt vào bề mặt chân răng (vôi răng dưới nướu) và thân răng (vôi răng trên nướu)

Bề mặt xù xì của vôi răng sẽ là nơi lý tưởng cho mảng bám tiếp tục lắng đọng và vi khuẩn sinh sôi ngày càng nhiều. Nhưng khác với mảng bám, vôi răng khi đã hình thành không thể bị loại bỏ khi chải răng mà phải được bác sĩ nha khoa lấy đi bằng dụng cụ đặc biệt. Vì vậy, việc tái khám nha khoa và lấy vôi định kỳ mỗi 6 tháng đến 1 năm là cần thiết để giữ răng miệng sạch sẽ.

Hút thuốc (kể cả thuốc lá điện tử)

Hút thuốc, ngoài gây hại cho phổi và hệ tim mạch, tuy không trực tiếp gây ra bệnh viêm nha chu nhưng khói thuốc làm giảm đáp ứng phòng vệ của nướu răng trước vi khuẩn, vì vậy khiến bệnh lý viêm nha chu dễ xảy ra hơn. Bằng chứng rất rõ ràng là những người hút thuốc có nướu răng kém khỏe mạnh và dễ mất răng hơn ngườu không hút thuốc.

Những người hút thuốc có tình trạng răng miệng kém hơn người không hút thuốc nhiều, và cả khi điều trị nha chu thì những người hút thuốc cũng có đáp ứng cải thiện tình trạng nướu răng kém hơn bình thường.

Sau khi bỏ thuốc lá khoảng 1 năm, tình trạng răng miệng và đáp ứng nha chu sẽ có sự cải thiện.

teeth of typical smoker
Hàm răng điển hình của người hút thuốc: vôi răng, mảng bám và vết dính do ám khói thuốc

Bệnh đái tháo đường (tiểu đường) type II

Có mối quan hệ nhân quả qua lại giữa bệnh viêm nha chu và đái tháo đường. Khi đường huyết không được kiểm soát thì viêm nha chu dễ xảy ra hơn. Vì vậy các bệnh nhân viêm nha chu lớn tuổi còn cần được tầm soát bệnh đái tháo đường.

Mặt khác, bệnh đái tháo đường nếu được kiểm soát sẽ không ảnh hưởng đến tình trạng bệnh nha chu nữa. Điều thú vị hơn là, việc điều trị bệnh nha chu sẽ có ảnh hưởng tích cực lên bệnh lý đái tháo đường và ngược lại. Vì vậy, cần có sự hợp tác giữa bác sĩ nội khoa và bác sĩ nha khoa khi điều trị cho một bệnh nhân vừa bị nha chu vừa bị đái tháo đường.

Thông tin quý giá này, đáng tiếc, chưa được cả giới y khoa lẫn bệnh nhân biết và xem trọng. Vì vậy, chỉ khoảng 50% bệnh nhân đái tháo đường biết về tình trạng bệnh nha chu của mình và mối liên quan giữa hai loại bệnh này (số liệu ở Mỹ, ở Việt Nam thậm chí còn thấp hơn)

diabetes and periodontitis

Chế độ ăn uống

Chế độ ăn uống không lành mạnh cũng gây ảnh hưởng tiêu cực lên sức hỏe của mô nha chu. Chế độ ăn nhiều tinh bột và đường có thể dẫn đến cả hai bệnh lý: đái tháo đường và viêm nha chu, chưa kể đến là tình trạng sâu răng.

fastfoods
Bữa ăn nhanh nhiều tinh bột và đường là ví dụ điển hình của chế độ ăn uống không lành mạnh

Stress

Stress là yếu tố đáng ngạc nhiên làm trầm trọng bệnh nha chu khi ảnh hưởng tới khả năng miễn dịch của cơ thể nói chung và của mô nha chu nói riêng trước vi khuẩn trong mảng bám. Khi miễn dịch của mô nha chu bị ảnh hưởng, những người đang bị stress tâm lý vì vậy có khả năng bị viêm nướu tiến triển thành viêm nha chu cao hơn so với người bình thường.

Ngoài ra, những người bị stress thường ít chú ý đến vệ sinh răng miệng hàng ngày. Điều này làm gia tăng lượng vi khuẩn trong miệng và tạo thêm áp lực lên mô nha chu vốn đã bị suy giảm miễn dịch do stress.

.

Các bất thường về gene

Do các yếu tố di truyền, sức mạnh và sức đề kháng của mỗi người trước các vi sinh vật gây bệnh là khác nhau. Vì vậy, khả năng chống chịu của mô nha chu trước vi khuẩn gây viêm nha chu cũng khác nhau. Có những người dễ bị bệnh nha chu hơn, lý do đơn giản là vì các đột biến trong bộ gene của người đó. Điều này lý giải hiện tượng một số người dù trẻ tuổi nhưng đã bị viêm nha chu và xương tiêu như người già.

Đột biến bất lợi về gene ảnh hưởng đến bệnh viêm nha chu có thể xảy ra theo nhiều cách, một trong số đó là sự tiết ra quá đà các chất gây viêm trong đáp ứng miễn dịch ở mô nha chu, các chất gây viêm này thay vì tiêu diệt vi khuẩn, ở lượng quá nhiều có thể phá hủy cả các cấu trúc nha chu neo giữ răng.

Bộ gene khác nhau cũng lý giải tại sao từng người lại có đáp ứng khác nhau với điều trị viêm nha chu. Và điều này cần được một bác sĩ, một chuyên gia về nha chu quan sát và đánh giá.

genetic analysis

Lão hóa

Vì bản chất của bệnh nha chu là tiến triển chậm, hậu quả của bệnh nha chu thường không trở nên nặng nề cho đến khi người bệnh lớn tuổi.

Bệnh nha chu rất hiếm gặp ở tuổi 18 hoặc tuổi vị thành niên. Tuy nhiên tới ngưỡng 35 tuổi, bệnh này trở niên phổ biến hơn, và đạt tới tỷ lệ 50-60% ở người trung niên.

Khi tuổi già đến, người bệnh thường đột nhiên bị lung lay rồi rụng răng, nhưng thực ra, đó chỉ là hậu quả của căn bệnh đã tích tụ và phát triển âm thầm từ nhiều năm trước. Vì vậy, việc tầm soát và điều trị sớm bệnh nha chu sẽ giúp giảm gánh nặng điều trị nha khoa ở tuổi già.

teeth of the elderly
Hàm răng của người già: các dấu vết tích tuổi thể hiện ở sự mòn các mặt răng, mất răng và tụt nướu
error: Content is protected !!