Sau khi được chẩn đoán, việc điều trị bệnh nha chu sẽ bao gồm các giai đoạn:

  1. Làm sạch răng, loại bỏ tất cả mảng bám vi khuẩn quanh chân răng (thực hiện ở phòng khám nha khoa)
  2. Thay đổi thói quen chăm sóc răng miệng, tập các thói quen chăm sóc răng miệng tốt (tại nhà)
  3. Các điều trị phục hồi mô nha chu đã bị phá hủy
  4. Tái khám thường xuyên và theo dõi đáp ứng của cơ thể với điều trị và lối sống mới.

Xem thêm thông tin chi tiết về các giai đoạn điều trị ở dưới đây

Làm sạch mô nha chu chuyên sâu

Để mô nha chu có thể hồi phục, tất cả các mảng bám và vôi răng (nguồn chứa vi khuẩn) sẽ phải được loại bỏ bởi các dụng cụ đặc biệt.

Điều trị làm sạch răng chuyên sâu sẽ được thực hiện ở tất cả các bề mặt chân răng. Ở các răng viêm nha chu, mảng bám ở sâu dưới viền nướu, trong túi nha chu và sát phần xương chân răng cần phải được loại bỏ. Các bề mặt này sau khi làm sạch sẽ được làm láng bóng lại để phòng ngừa mảng bám tiếp tục phát triển.

Ngoài ra, tất cả các yếu tố có lợi cho sự phát triển của mảng bám trong miệng (như vôi răng trên nướu, các bờ dư của răng sứ, phục hồi răng giả, miếng trám dư…) cần phải được loại bỏ.

Tùy mức độ trầm trọng của bệnh nha chu mà số lần hẹn để làm sạch toàn bộ các răng sẽ nhiều hoặc ít.

teeth cleaning get rid of tartar
Làm sạch mảng bám và vôi răng bằng dụng cụ chuyên dụng

Vệ sinh răng miệng tại nhà

Để phòng ngừa mảng bám vi khuẩn mới, bệnh nhân viêm nha chu sẽ được bác sĩ hướng dẫn phương pháp phù hợp nhất để tự vệ sinh răng miệng. Các phương pháp mới, ngoài chải răng như bình thường, sẽ được hướng dẫn. Tuy không phải lúc nào cũng dễ dàng thực hiện, cần phải tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ để điều trị đạt kết quả tốt nhất.

Bác sĩ sẽ đánh giá lại tình trạng răng miệng ở mỗi lần tái khám để xem bệnh nhân có thực hiện tốt hướng dẫn không. Đây là yếu tố rất quan trọng quyết định sự thành công của điều trị.

Tham khảo thêm hướng dẫn vệ sinh răng miệng ở trang Phòng ngừa viêm nha chu

additional tools for oral hygiene

Tái khám sơ khởi

Ở thời điểm 1-2 tháng sau lần điều trị ban đầu, bác sĩ sẽ đánh giá lại kết quả đáp ứng với điều trị, và quyết định xem nên làm điều trị nào tiếp theo, và bệnh nhân có cần thay đổi cách chăm sóc răng miệng hay không.

Nếu đáp ứng tốt với điều trị, phần nướu viêm sẽ cải thiện rõ rệt và giảm sưng đỏ. Các vị trí có túi nha chu cũng sẽ giảm độ sâu trên 4 mm. Ở những ca đáp ứng tốt như vậy, bệnh nhân có thể chuyển sang giai đoạn tái khám và điều trị phòng ngừa định kỳ.

reevaluation after periodontal treatment

Điều trị phẫu thuật

Ở bệnh nhân bị viêm nha chu nặng, các vùng túi nha chu quá sâu không đáp ứng với điều trị làm sạch thông thường sẽ được điều trị bằng điều trị phẫu thuật.

Cụ thể, nếu 1-2 tháng sau điều trị thông thường, vẫn còn các vùng túi nha chu sâu trên 5 mm, các mảng bám còn lại quá sâu sẽ được điều trị phẫu thuật, nghĩa là mở vùng nướu quanh chân răng để thấy các mảng bám và mảnh vôi răng nằm sâu rồi loại bỏ. Bác sĩ cũng có thể kết hợp điều trị này với điều trị phục hồi phần mô nha chu đã mất do viêm nha chu, nghĩa là có thể ghép thêm các mô mới để giúp lành thương nhanh hơn.

how periodontal surgeries works
how periodontal surgeries works

Điều trị nha chu phẫu thuật là điều trị dành cho các trường hợp phức tạp, và tốn nhiều thời gian. Thời gian điều trị có thể được tính bằng năm. Bệnh nhân cần hiểu tầm quan trọng của điều trị và hợp tác tốt về mặt vệ sinh răng miệng trong quá trình điều trị để có được kết quả tốt nhất, với những thay đổi cụ thể như: tăng cường tự vệ sinh răng, bỏ thuốc lá, điều chỉnh chế độ ăn uống…

Tái khám chuyên sâu

Sau điều trị chuyên sâu, bác sĩ sẽ đánh giá nguy cơ tái phát của bệnh nha chu và đưa ra thời gian biểu tái khám phù hợp cho từng bệnh nhân. Tuy nhiên, yếu tố đóng vai trò quan trọng nhất vẫn là khả năng tự vệ sinh răng miệng của bệnh nhân.

Các lần vệ sinh răng miệng định kỳ tại phòng khám cũng giúp phát hiện sự biến chuyển của bệnh nếu có, từ đó bác sĩ sẽ đưa ra điều trị kịp thời.

Các lần tái khám vệ sinh răng miệng định kỳ thường cách nhau 3, 4 hoặc 6 tháng. Thời gian dài hay ngắn phụ thuộc vào tình trạng răng miệng và đáp ứng vệ sinh răng miệng của bệnh nhân.

Sau điều trị, bác sĩ sẽ tái khám, đánh giá đáp ứng điều trị và đưa ra kế hoạch tiếp theo

Các phản ứng không mong muốn khi điều trị nha chu

Các phản ứng bất lợi có thể xảy ra khi điều trị nha chu bao gồm: nướu co lại gây cảm giác tụt nướu, các khoảng trống xuất hiện giữa răng và cảm giác ê buốt do lộ ngà chân răng.

Sau khi làm sạch răng chuyên sâu, có thể có một số cảm giác khó chịu xuất hiện, khi vôi răng được loại bỏ và máu viêm chảy ra từ các mạch máu đã giãn nở do viêm. Nướu sau khi điều trị bớt viêm sẽ co rút lại, không còn sưng lên nữa, từ đó có thể làm lộ ngà chân răng gây ra cảm giác ê buốt khi dùng thức ăn / uống nóng / lạnh hoặc có tính axit. Cảm giác nhạy cảm này sẽ bớt dần sau một vài tháng.

receeded gum after periodontal treatment
Sau điều trị nha chu, nướu có thể co lại làm lộ chân răng…
sensitive teeth
… gây ra cảm giác ê buốt khi ăn nhai, đặc biệt là thức ăn, thức uống nóng / lạnh

Bác sĩ nha khoa có thể thực hiện điều trị nha chu chuyên sâu?

Bác sĩ nha khoa thông thường có thể thực hiện điều trị làm sạch răng sơ khởi. Ở các ca bệnh nha chu nặng, thường sẽ cần các bác sĩ nha chu, là những bác sĩ nha khoa được rèn luyện và học tập chuyên sâu về điều trị nha chu, bao gồm điều trị kiểm soát mảng bám, loại bỏ mảng bám và điều trị nha chu phục hồi.

Các bác sĩ nha chu sẽ là những người chịu trách nhiệm và điều trị hiệu quả cho các ca bệnh khó.

Viêm nha chu uống thuốc gì?

Bệnh viêm nha chu cần được chẩn đoán chính xác vì có một số bệnh lý răng miệng khác cũng có biểu hiện tương tự, vì vậy người bệnh không nên tự ý sử dụng thuốc khi chưa có chẩn đoán chính xác từ bác sĩ. Bệnh lý viêm nha chu gây ra bởi vi khuẩn trong mảng bám và vôi răng, vì vậy nguyên tắc điều trị số một phải là loại bỏ hết mảng bám và vôi răng bằng điều trị cơ học. Thuốc chỉ đóng vai trò hỗ trợ chứ không thể chỉ sử dụng thuốc mà điều trị được viêm nha chu.

Một số thuốc đóng vai trò hỗ trợ điều trị viêm nha chu:

  • Thuốc kháng sinh: ngăn chặn vi khuẩn trong mảng bám di chuyển tới hệ thống mạch máu (chứ không thể tiêu diệt hoàn toàn vi khuẩn)
  • Thuốc kháng viêm, giảm đau: hỗ trợ giảm nhẹ phản ứng viêm của mô nha chu. Chỉ định chủ yếu trong các trường hợp viêm nặng, xuất hiện ổ mủ…
  • Thuốc súc miệng: thuốc súc miệng có thành phần chất diệt khuẩn mà tiêu biểu là Chlorhexidine 0.12% giúp giảm số lượng vi khuẩn có hại trong miệng, hỗ trợ tạo ra môi trường thuận lợi cho mô nha chu hồi phục sau điều trị.
error: Content is protected !!